Hỏi Đáp & Tư Vấn

Các mốc khám thai quan trọng & Lịch khám thai định kỳ (BV Từ Dũ)

Các mốc khám thai quan trọng

Mọi bà bầu cần phải biết lịch khám thai định kỳ và các mốc khám thai quan trọng.

Vì.

Khám thai là một phần không thể thiếu trong quá trình mang thai để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho cả mẹ và bé.

Bài viết này cho bạn biết 2 điều:

  • Lịch khám thai định kỳ của BV Từ Dũ
  • 4 mốc khám thai quan trọng.
Các mốc khám thai quan trọng
Các mốc khám thai quan trọng

Các mốc khám thai quan trọng trong bài viết được đề xuất bởi các bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đảm bảo thai kỳ suôn sẻ và bé chào đời khỏe mạnh.

Lịch khám thai định kỳ theo hướng dẫn của BV Từ Dũ

Có tổng cộng 11 mốc trong bộ lịch khám thai định kỳ và có 4 mốc khám thai quan trọng Từ Dũ hướng dẫn cụ thể.

Lưu ý

Lịch khám thai này áp dụng cho chăm sóc thường quy các thai kỳ đơn thai không kèm yếu tố nguy cơ.

Lịch khám thai sẽ thay đổi theo tùy trường hợp cụ thể khi có các dấu hiệu bất thường (đau bụng, ra huyết, ra nước…) hoặc khi thai kỳ có kèm yếu tố nguy cơ. Nếu bạn thuộc trường hợp này bạn cần tuân theo đúng lịch khám mà bác sĩ đề ra cho mình.

Lịch khám thai 3 tháng đầu

3 tháng đầu thai kỳ tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối đến 13 tuần 6 ngày.

Thông thường, lịch khám thai giai đoạn 3 tháng đầu bạn sẽ có 2 lần khám:

  • Lần 1: Sau khi trễ kinh 2 – 3 tuần
  • Lần 2: lúc thai 11 tuần – 13 tuần 6 ngày

Đây là 2 trong 4 mốc khám thai quan trọng nhất mà mẹ bầu cần chú ý để thăm khám đúng thời gian. Lý do cụ thể sẽ được giải thích ở phần dưới.

Lịch khám thai định kỳ Từ Dũ 3 tháng đầu
Lịch khám thai định kỳ Từ Dũ 3 tháng đầu

Lịch khám thai 3 tháng giữa

3 tháng giữa thai kỳ tính từ tuần 14 đến 28 tuần 6 ngày

Thông thường, lịch khám thai giai đoạn 3 tháng giữa bạn sẽ có 3 lần khám trong các khoảng, thời gian cụ thể sẽ được chỉ định bởi bác sĩ khám thai của từng mẹ bầu.

  • Tuần 16 – 20
  • Tuần 20 – 24
  • Tuần 24 – 28
Lịch khám thai định kỳ từ dũ 3 tháng giữa
Lịch khám thai định kỳ từ dũ 3 tháng giữa

Lịch khám thai 3 tháng cuối

3 tháng cuối thai kỳ được tính từ thai tuần 29 đến tuần 40

  • Tuần 29-32: khám thai 1 lần
  • Tuần 33-35: 2 tuần khám thai 1 lần
  • Tuần 36-40: 1 tuần khám thai 1 lần
Lịch khám thai định kỳ từ dũ 3 tháng cuối
Lịch khám thai định kỳ từ dũ 3 tháng cuối

4 mốc khám thai quan trọng nhất bạn phải nhớ

Mốc 1: Khám thai lần đầu tiên

Sau khi que thử thai hiện hai vạch hoặc nhận thấy một số dấu hiệu có thai thường gặp như ốm nghén, nôn, buồn nôn… bạn cần đi khám thai càng sớm càng tốt.

Lần khám thai đầu tiên này rất quan trọng bởi bác sĩ sẽ chẩn đoán mẹ có thai hay không, thai đã vào tử cung chưa, thai được bao nhiêu tuần…

Xác định chính xác tuổi thai chính là cơ sở cho việc theo dõi sự phát triển của thai nhi ở các mốc khám thai quan trọng tiếp theo.

Bởi khi thai càng lớn, nhất là sau 3 tháng đầu việc xác định tuổi thai sẽ giảm độ chính xác.

Mốc 2: Khám thai vào tuần 11-13 thai kỳ

Đây là lần khám thai nhằm phát hiện dị tật thai nhi đầu tiên mà bác sĩ sản khoa khuyến cáo mẹ bầu cần đi khám đúng lịch.

Khoảng thời gian từ tuần 11 đến tuần 13 thai kỳ mới cho kết quả chính xác độ mờ da gáy, giúp phát hiện nhiều dị tật bẩm sinh liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down, thoát vị cơ hoành, dị dạng tim…

Từ tuần thứ 13 trở đi, những dị tật này sẽ khó phát hiện hơn, mất đi cơ hội can thiệp sớm để hạn chế thấp nhất các rủi ro trong thai kỳ.

Ở lần khám này, mẹ bầu sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết như:

  • Xét nghiệm Double test: giúp tầm soát nguy cơ phát triển hội chứng Down, Edward hoặc Patau.
  • Xét nghiệm máu: giúp xác định các nguy cơ tiềm ẩn như thiếu máu, thiếu sắt có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Xét nghiệm nước tiểu: giúp xác định nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu, tổn thương thận hoặc một số bất thường khác.

Như bạn thấy

2/4 mốc khám thai quan trọng nằm ở 3 tháng đầu thai kỳ.

Vì đây là thời điểm nhạy cảm, dễ gây sảy thai cùng với nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm tra và thực hiện một cách an toàn.

Trong đó có chế độ ăn uống cho bà bầu 3 tháng đầu.

Hãy đọc bài viết Bầu 3 tháng đầu nên ăn gì? để biết chính xác bạn cần ăn gì trong giai đoạn này.

Mốc 3: Khám thai vào tuần 20-24 thai kỳ

Đây là mốc thời gian “vàng” để siêu âm, đánh giá hình thái học cũng như sự phát triển của thai nhi.

Ở tuần 20-24 thai kỳ, thai nhi đã có kích thước tương đối lớn, các cơ quan trong cơ thể đã hình thành và phân chia rõ rệt nên sẽ dễ dàng phát hiện các dị tật.

Bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu thực hiện siêu âm 3D, 4D để khảo sát hình thái học, phát hiện dị tật ở hầu hết các cơ quan nội tạng như:

  • Đánh giá giải phẫu của thai nhi như não, tim, phổi, tay chân
  • Đo các chỉ số phát triển của thai như vòng đầu (Head Circumference – HC), đường kính lưỡng đỉnh (Biparietal Diameter – BPD), vòng bụng (Abdominal Circumference – AC), chiều dài xương đùi (Femur Length – FL), cân nặng thai nhi ước tính (Estimated Fetal Weight – EFW)…

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Sản – Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết:

Siêu âm ở tuần 22 không chỉ giúp khảo sát các đặc điểm bên ngoài của thai nhi như khuôn mặt, tay chân… mà còn cho mẹ thấy được những cử động của thai nhi cũng như tình trạng phát triển của các bộ phận quan trọng trong cơ thể bé.

Các siêu âm chẩn đoán, sàng lọc dị tật thai nhi ở giai đoạn này cần được kiểm tra lần lượt từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong một cách cẩn trọng nhất.

Mốc 4: Khám thai vào tuần 30-32 thai kỳ

Thời điểm này thai nhi đã lớn, những bất thường chưa phát hiện được ở các mốc khám thai trước đó thì nay đã có thể thấy rõ.

Khám thai đúng lịch ở giai đoạn này sẽ giúp bố mẹ chủ động trong công tác chuẩn bị cho ngày con chào đời: chuẩn bị tâm lý, lựa chọn phương pháp sinh thường hay sinh mổ, sinh vào thời điểm nào, cách chăm sóc, điều trị cho bé sau sinh nếu có vấn đề…

Ở giai đoạn này,

Bác sĩ sẽ kiểm tra ngôi thai, bánh nhau, lượng nước ối… nhằm đảm bảo bé đang phát triển tốt ở giai đoạn về đích, đưa ra được những kết luận chính xác về sự phát triển của thai nhi, tốc độ phát triển so với tuổi thai để có biện pháp can thiệp kịp thời nếu thai trong tử cung bị phát triển chậm.

Những kiểm tra này sẽ giúp mẹ bầu phòng tránh được các nguyên nhân gây suy thai, ngạt thở sau sinh, xác định được ngày sinh cụ thể và chính xác hơn.

Khi mang thai, cơ thể của phụ nữ trải qua những thay đổi đáng kể và có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Tuy nhiên, việc biết và tuân thủ các mốc khám thai quan trọng có thể giúp cho mẹ bầu có thể tự chủ hơn trong việc thăm khám, theo dõi tình trạng sức khỏe của mình và thai nhi, cũng như chuẩn bị cho những tình huống bất trắc có thể xảy ra.

Nguồn tham khảo: tudu.com.vn, vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *